Mấy ngày vừa qua mình đến Buôn Ma Thuột (BMT) để tìm hiểu về công nghệ chế biến ướt đối với cà phê. Nghe nói làm theo cách này thì cà phê sẽ ngon hơn. Mình muốn được tận mắt nhìn thấy quy trình và cách làm nhưng không phải dễ. Dường như chỉ ở BMT đang chuộng dạng này vì trước đó mình hỏi dò một kỹ sư nông nghiệp ở Dak Mil thì theo anh ở Dak Mil (tỉnh Dak Nông) chỉ có 2 cách phơi cà phê giống như ở Gia Lai là phơi nguyên quả trên nền xi măng hoặc phơi nhân (tức là sạt quả cà phê tươi và phơi trên nền xi măng hoặc trên bạt, cách phơi này sẽ tiết kiệm 1/3 thời gian phơi nhưng không được để nước mưa ngấm vào sẽ làm đen và hư nhân). Ở BMT mình chỉ quen H, hóa ra H là người đầu tiên làm công nghệ chế biến ướt ở vùng của H. Thế là lên đường đi BMT!
Quán cà phê đơn giản của H ở BMT có 1 máy rang mới, 1 máy pha mới và trưng bày nhiều sản phẩm nông nghiệp khác do H làm. Cà phê rất ngon, phải nói là tuyệt hảo! Sau khi uống cà phê và trò chuyện một lúc với H, nhân viên và bạn bè của H, mình được H chở đi thăm vườn cà phê tự nhiên, xem máy móc, xem chỗ phơi cà phê, v.v... H có vườn cà phê hữu cơ và vườn cà phê tự nhiên. Ở vườn cà phê hữu cơ H bón phân hữu cơ, dùng các chế phẩm vi sinh hoặc sinh học, phun thuốc sinh học. H nói: "Sự khác nhau giữa vườn hữu cơ và vườn tự nhiên là vườn tự nhiên không có sự tác động của ý muốn con người vào". Ở vườn tự nhiên, cây không được cho phân nhưng vẫn có dinh dưỡng từ đất, từ lá cây của chính nó, lá của những cây lớn khác trong vườn, từ vỏ của quả cà phê, không được tỉa cành vì cây có cơ chế tự tỉa cành của nó, nếu có làm thì có khi 3 năm mới tỉa 1 lần. Mình quan sát thấy đất ở quanh gốc và dưới tán cà phê rất tơi xốp. Thật sự trong hơn nửa năm qua mình đã luôn nghĩ đến KHU VƯỜN KHÔNG LO LẮNG mà ở đó cây cà phê sống tự nhiên như vậy. Mình sẽ thực hiện điều này vào cuối năm nay và sẽ viết 1 bài về nó.
Mình được ăn trưa tại vườn, thăm quan vườn, trò chuyện với nhân viên của H trong lúc vợ chồng H đi thăm và làm việc khác trong nông trang rộng lớn. Nhịp độ thật chậm rãi, từ từ.
Trong lúc mình thái thịt, H nói:
- Phải chi anh chị biết H sớm hơn, H sẽ chỉ anh chị mua đất ở đây.
Lần nào gặp H cũng thấy H nhấn mạnh với mình về yếu tố thổ nhưỡng. Thấy mình thích tìm hiểu về cà phê mà không mua được đúng vùng đất trồng cà phê ngon, H lấy làm tiếc cho mình.
- Làm sao mà mình biết H trước được?! Phải mua vườn cà phê đó trước rồi mới có ý định tìm hiểu về trồng hữu cơ, rồi mới gặp được H. Mà nếu có biết trước cũng không đủ tiền để mua (cười).
- Cuộc sống của anh chị ở đó ổn chưa?
- Ổn rồi. À, mình có đem theo cà phê ở vườn của mình.
- Vậy chút nữa rang.
Ăn uống xong H dẫn mình và ba của mấy đứa nhỏ vào phòng rang, ở đó có 1 cái máy rang hiện đại bán tự động khoảng nửa tỷ đồng. H giải thích vì sao một cái máy nhìn giống thế này làm tại Việt Nam chỉ có mấy chục triệu, sự khác nhau nằm ở đâu và với mỗi sự khác nhau đó ảnh hưởng đến chất lượng cà phê như thế nào, tính dược liệu còn hay giảm đi, dinh dưỡng còn hay giảm, hương vị khác như thế nào, độc tố gì sẽ sinh ra, v.v... H đã dùng qua nhiều máy rồi mới đến cái máy này. Ngay cả với máy xay hay máy pha cà phê H cũng dùng qua nhiều loại rồi. H bảo: "H nói anh chị mua cái gì thì anh chị mua cái đó, bảo làm gì thì làm đó vì H đã làm qua, đã thử và sai. H phải mất 10 năm đi chỗ này chỗ kia học hỏi mà người ta chỉ muốn giấu chứ không muốn chỉ". Rồi H kể cho mình nghe có thể nói H là người đầu tiên ở Việt Nam làm cái này, cái kia, cái nọ, là 1 trong 100 người trên thế giới đạt chuẩn gì đó. Rồi H nhìn cà phê của mình thì biết tỉ lệ chín cây là 99 - 100%. Rồi H nói trong ngành chế biến cà phê, nếu muốn làm nhanh mình phải bỏ vốn ra ví dụ là 10, nếu làm chậm hơn, vốn mình bỏ ra 7, chậm hơn nữa còn 5, chậm hơn nữa là 3. Rồi H đề nghị giúp mình trong vấn đề ra sản phẩm. Thật bất ngờ!
Mình hình dung nếu không có lời đề nghị đó, để ra được sản phẩm như vậy mình sẽ phải mất ít nhất 6 năm và tốn ít nhất 1 tỷ đồng. Cụ thể ban đầu mình sẽ mua 1 cái máy rang vài chục triệu, dùng trong 3 năm, sau đó đổi sang máy rang 200-300 triệu và dùng trong ít nhất 3 năm, sau đó đổi sang máy nửa tỉ. Chưa kể chi phí để có những kinh nghiệm khác liên quan từ khâu trồng trọt cho đến ra sản phẩm.
Rời khỏi phòng rang, mọi người bắt đầu công việc thử cà phê. H lấy cà phê của H ra để mình biết được sự khác nhau giữa hai loại. Mình được thử cà phê dạng lọc và cà phê pha phin. H hỏi:
- Ly nào thơm hơn?
Trên bàn có 2 ly, trong mỗi ly có cà phê bột với lượng bằng nhau và màu sắc khác nhau. Tôi và ba của mấy đứa nhỏ ngửi tới ngửi lui và khẳng định ly kia thơm hơn. Hóa ra đó là ly đựng cà phê của mình. Nghe vậy H ngửi thử và bảo:
- Đúng rồi, mới xay ra phải thơm hơn chứ.
Mặc dù thơm hơn nhưng khi pha ra uống cà phê của H vẫn ngon hơn, dễ chịu từ vị giác cho đến tác động trên cơ thể.
H nhìn màu sắc nước cà phê, uống vào, nói: "Cà phê phin là phải có màu sắc như vậy, khẩu vị này bán ở Việt Nam là được rồi. Anh chị đi tìm khách hàng đi".
- Anh chị phải đến đây gặp H 100 lần mới đủ. H cười nói.
- Làm sao biết đến vào lúc nào? Mình thắc mắc.
- H sẽ nhắn cho anh chị biết.
"Anh chị rất may mắn!", nhân viên của H vừa cười vừa bảo.
"Sao anh chị biết ở đây mà tìm đến?", H hỏi. "Mình đến đây để tìm hợp tác xã kia, nhưng ở đây chỉ có H trồng cà phê hữu cơ nên họ dẫn mình đến gặp H".
Có lẽ những người dân ở đó chỉ thấy H là người nông dân trồng cà phê hữu cơ, có mối xuất qua thị trường khắt khe như Nhật, nhưng sau ngày hôm đó, mình thấy H giống như 1 huyền thoại về cà phê ở Việt Nam. Con người ấy chỉ tỏ mình ra cho đối tượng nào đó thấy và ẩn mình trước số đông còn lại.
Thật kỳ lạ, khi mình xác định không đặt vấn đề kiếm tiền để sinh sống từ vườn cà phê thì H lại nói "Tiền sẽ tự nhiên đến", khi mình bảo rằng cuộc sống của mình ổn về tài chính rồi thì H lại giúp mình ra sản phẩm, khi mình đang quan tâm về công nghệ chế biến ướt thì H bảo rằng đừng để ý đến nó.