Lúc mới đến đây có một điều làm tôi rất ngạc nhiên đó là người dân ở đây không mời khách uống cà phê và họ cũng không uống cà phê do họ trồng. Tất cả đều bán cà phê nhân chưa qua chế biến. "Sao người ta không muốn biết cà phê họ trồng uống vào như thế nào?" là câu hỏi hiện đi hiện lại trong đầu tôi.
Bức tranh trong đầu tôi là nhà nhà trong làng đều chế biến cà phê, làm ra thành phẩm, mở quán cà phê tại nhà đồng thời buôn bán sản phẩm trong và ngoài nước. Sản phẩm của mỗi nhà khác nhau tạo nên sự đa dạng mà vẫn giữ được một nguyên tắc chung là "sản phẩm hữu cơ an toàn cho con người và môi trường". Khách phương xa đến thăm làng sẽ được mời uống cà phê thay vì uống trà như hiện nay. Chủ nhà sẽ khoe với khách về cà phê của gia đình mình, làng mình, đất nước mình. Trong bức tranh đó tuyệt đối không có hình ảnh nhà này chê cà phê của nhà kia, ăn cắp công thức pha chế, giành giựt khách. Nguồn thu chủ yếu của mỗi gia đình sẽ từ việc buôn bán hàng ở các tỉnh thành trong và ngoài nước chứ không phải ở ngay tại làng. Mọi người "chiến đấu" ở bên ngoài chứ không chiến đấu ở trong làng. Ngay cả khi chiến đấu trong nước, mọi người cũng giữ một nguyên tắc chung là "Người Việt nâng người Việt lên".
Làng là sức mạnh, là nơi tiếp sức sau "những cuộc chinh chiến" ở bên ngoài. Làng là văn hóa thu hút khách từ mọi nơi đến. Làng là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm của mỗi gia đình, cả làng, cả nước, cả thế giới. Làng là nơi mọi người quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau.