Hôm qua chúng tôi đón một người khách đến từ Dak Mil tỉnh Dak Nông. Cuộc nói chuyện của chúng tôi kéo dài từ sau bữa tối đến 1 giờ sáng và tôi bắt đầu hiểu về các khái niệm liên quan đến việc trồng cà phê.
Theo tôi hiểu, "cà phê công nghiệp" là loại cà phê được trồng hoàn toàn bằng phân vô cơ, có dùng thuốc hóa học trừ sâu bệnh, có hoặc không dùng thuốc diệt cỏ (nghe nói thuốc diệt cỏ sẽ bị cấm vào năm 2020).
"Cà phê bán công nghiệp" hay "cà phê bền vững" là loại cà phê được trồng bằng phân vô cơ, phân hữu cơ, thuốc trừ sâu hóa học hoặc thuốc trừ sâu sinh học.
"Cà phê sạch" là một khái niệm từ những dự án trồng cà phê tại Việt Nam có ký hợp đồng thu mua giá cao với tổ chức nước ngoài và làm theo quy trình sạch của họ. "Sạch" được hiểu là vệ sinh sạch sẽ như phơi cà phê trên bạt mới, chứa cà phê tươi hay cà phê nhân trong bao bì mới, không có chó mèo gà chạy vào nơi đang phơi cà phê, chai thuốc bỏ đúng nơi quy định không bỏ bừa bãi trong vườn; sạch còn được hiểu là có nguồn gốc rõ ràng minh bạch chẳng hạn như bón phân gì, vào ngày nào, ai bón phân, lượng bón như thế nào, tưới nước mấy lần, lượng nước bao nhiêu, v.v...; sạch còn được hiểu là không gây ảnh hưởng xấu đến con người ví dụ như đang phun thuốc trừ sâu hóa học thì phải có biển báo là đang phun thuốc trừ sâu hóa học để trẻ em, phụ nữ mang thai, người khác không đi vào khu vực đó, ngay cả người phun thuốc cũng phải mang đồ bảo hộ lao động. "Cà phê sạch" được bón phân vô cơ, phân hữu cơ, thuốc trừ sâu hóa học hay sinh học. Như vậy "sạch" có nghĩa là quy trình sạch từ đầu đến cuối.
"Cà phê hữu cơ" được nuôi dưỡng bằng phân hữu cơ, không dùng phân vô cơ, dùng thuốc sinh học trừ sâu bệnh không dùng thuốc hóa học. Có thể có người trồng cà phê hữu cơ nhưng quy trình làm chưa đạt chuẩn "sạch" của thế giới.